Các bước xây nhà

Ai cũng cần có một mái ấm gia đình, một ngôi nhà mơ ước nhưng trong xã hội hiện đại hiện nay, mỗi cá nhân phải làm tốt chức năng nghề nghiệp của mình mà xã hội đã giao phó, trong khi đó sức khỏe, quỹ thời gian của chúng ta có hạn, nên việc xây nhà là rất vất vả, khó khăn. Chúng ta nên lựa chọn những nhà tư vấn chuyên nghiệp để tìm ra giải pháp tốt nhất. Các nhà tư vấn sẽ hoạch định cho các bạn một giải pháp tài chính phù hợp với bản thân đồng thời đưa ra phương án hợp lý nhất cho ngôi nhà của bạn.

CÔNG TY TƯ VẤN XÂY DỰNG QUỐC TẾ HÀ NỘI – AMSTERDAM

HANOI AMSTERDAM INTERNATIONAL CONSTRUCTION CONSULTANCY COMPANY

174A Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. ĐT/Fax: (04) 6287 6268. Website: http://hn-amsterdam.com

-------o0o-------

CÁC BƯỚC XÂY NHÀ

Công ty tư vấn xây dựng quốc tế Hà Nội- Amsterdam là đơn vị duy nhất có khả năng cung cấp một sản phẩm hoàn thiện đồng bộ trên một giải pháp tối ưu về mọi phương diện: tài chính, vị trí khu đất, điều kiện tự nhiên, cơ cấu tổ chức ở, mỹ thuật, kỹ thuật sử dụng vật liệu trong những khuôn khổ khắt khe nhất. Tuy nhiên, để có được một ngôi nhà mơ ước, các bạn cũng cần có một số hiểu biết nhất định sau đây:

Bước 1: Chúng ta hãy bắt đầu bằng vấn đề chính yếu nhất khi bạn nghĩ đến việc xây một ngôi nhà mới, đó là tiền để xây nhà. Đừng để bạn phải chạy vạy khi nhà đang xây mà tiền mặt lại cạn do phát sinh. Hoặc giả như bạn hoàn thành ngôi nhà rồi mà tiền vốn dành cho việc chi tiêu khác cũng hết sạch … Cách tốt nhất là đầu tiên bạn nên dự trù trước chi phí. Thông thường, có 2 loại chi phí chính cần ước tính:

a. Ước tính chi phí xây dựng cơ bản:

Đây là chi phí bạn cần để xây dựng ngôi nhà đến mức độ hoàn thiện phần kiên cố và có thể đã bao gồm phần gạch lát trang trí, trần thạch cao, kệ bếp gỗ và sơn nước trong ngoài. Theo cách tính phổ biến hiện nay, mọi người thường tính theo số mét vuông trên tổng diện tích xây dựng thực tế của ngôi nhà . Bạn nên trao đổi và thống nhất với nhà thầu cách tính diện tích xây dựng thực tế.

b. Ước tính chi phí trang trí nội thất

Bạn có thể tính phần này bao gồm chi phí để mua thiết bị nhà tắm, bếp ga, bếp điện, máy lạnh, bàn ghế sô pha, đèn trang trí, rèm cửa và các trang thiết bị gia dụng khác cần sắm mới. Lý do chúng tôi đề nghị bạn tính riêng loại chi phí này vì đây là phần rời và hoàn toàn có thể được trang bị sau khi ngôi nhà hoàn thành. Thời gian trang bị thêm những đồ này không phụ thuộc vào thời gian xây nhà và tùy vào tình hình tài chính của bạn. Một điểm nữa là bạn cũng có thể tách phần này ra khỏi phần việc của nhà thầu xây dựng. Thực tế là việc xây nhà luôn luôn có phát sinh. Vì vậy với số tiền tạm tính trên, bạn nên dự trù thêm từ 10 – 30% số tiền. Với con số “lận lưng” này bạn sẽ yên tâm hơn khi trao đổi nhu cầu của mình với kiến trúc sư thiết kế rồi đến nhà thầu thi công. Xin lưu ý: bạn nên tham khảo mức chi phí trên mét vuông theo từng loại nhà tại gần thời điểm xây. Và con số tổng ước tính sẽ giúp bạn tự tin hơn khi thảo luận giá xây dựng cho ngôi nhà của bạn với nhà thầu.

c. Phương án tài chính

Hầu hết gia chủ khi quyết định xây nhà đã dự trù trước phương án tài chính.Tuy vậy, trong phần này chúng tôi cũng muốn bổ sung thông tin theo tình hình hiện nay nhằm giúp các bạn có thêm phương án lựa chọn có lợi nhất cho mình. Ngoài cách truyền thống vay từ gia đình, người thân và bạn bè, bạn có thể vay tài chính từ bên ngoài để xây nhà. Đúng vậy, với sự phát triển của hệ thống tài chính và Ngân hàng tại Việt Nam hiện nay, bạn hoàn toàn có thể vay số tiền mà bạn cần để xây nhà bằng hình thức tín chấp hoặc thế chấp chính căn nhà đó. Chúng tôi khuyến khích bạn chọn phương án này nếu số tiền đó của bạn đang phục vụ việc kinh doanh, bạn sẽ thu lãi nhiều hơn số lãi vay.. Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ trụ sở các ngân hàng gần nhất để biết thêm chi tiết trước khi bạn bắt đầu.

Bước 2: Lên kế hoạch xây nhà:

Dựa vào những thông tin của mảnh đất như: kích thước mảnh đất định xây dựng (dài và rộng), diện tích phần đất định xây công trình, các hướng tiếp cận mảnh đất (Đông, tây, nam bắc...) và chiều dài mỗi hướng, loại đường giao thông mà mảnh đất tiếp giáp (loại đường, chiều rộng, chỉ giới xây dựng.), vi trí mảnh đất (nội ngoại thành...). Hiện trang các công trình xung quanh (loại công trình, chiều cao tương đối), số tầng, số phòng... và số kinh phí bạn dự định đầu tư. Ngoài ra còn phải dựa vào thực tế sử dụng như: nhà cho mấy thế hệ ở, độ tuổi và nghề nghiệp các thành viên trong gia đình, tuổi tác, sở thích và thẩm mĩ của gia chủ để lên kế hoạch xây nhà.

a. Tìm hiểu vấn đề pháp lý liên quan đến nhà bạn và các thủ tục cần thiết:
Trên thực tế, có rất nhiều người do lịch sử gia đình và vấn đề chuyển giao giữa các thế hệ mà việc sở hữu chủ trở nên không rõ ràng về phương diện pháp lý. Vì thế những gì chúng tôi đề cập ở đây nhằm giúp các bạn rà soát hiện trạng pháp lý ngôi nhà và khu đất mà bạn sẽ xây nhà mới.

b. Trước khi tiến hành xin phép xây dựng bạn nên xem xét các yếu tố pháp lý liên quan hiện trạng căn nhà như sau:
- Quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất
-Vấn đề quy hoạch khu vực (tham khảo Phòng Quản Lý Đô Thị Quận, Huyện).
- Những quy định bắt buộc khác của chính quyền địa phương liên quan đến khu vực xây nhà của bạn như: khống chế tầm cao, số lượng tấm sàn, diện tích sân, phần sử dụng chung với các nhà xung quanh, lộ giới hẻm....
- Những vấn đề về quan hệ với hàng xóm chung quanh như: vách chung, lối đi chung, đường hẻm, cây xanh, đường thoát nước.

c.
Tìm hiểu về nhà cung cấp vật liệu xây dựng:
Bạn nên tìm hiểu từ giai đoạn này những địa điểm cung cấp vật tư xây dựng theo tiêu chí gần công trình của bạn, đủ chủng loại, giá hợp lý và có thể thanh toán từng đợt theo tiến độ nếu có thể. Điều này sẽ giúp công việc thi công của bạn thuận lợi về sau.

Bước 3: Khi bạn biết rất rõ mình muốn gì trong ngôi nhà của mình, bạn nên mời kiến trúc sư có kinh nghiệm thiết kế , biến các ý tưởng và nhu cầu của mình thành các bản vẽ kỹ thuật. Nếu thấy cần thiết, bạn nên mô tả các nét kiến trúc mà mình yêu thích. Tất cả những điều đó, bạn nên ghi lại vào một văn bản và đưa nó cho các kiến trúc sư. Họ sẽ có nhiều tư liệu để nghiên cứu và thiết kế cho phù hợp.

1. Chọn và làm việc với kiến trúc sư:
Làm như vậy, bạn sẽ hạn chế được rất nhiều rắc rối về sau. Khi mời kiến trúc sư thiết kế, bạn chỉ nên đưa ra các nhu cầu cho họ xử lý bằng ngôn ngữ kiến trúc. Bạn nên tránh can thiệp chi tiết và thay đổi ý tưởng quá nhiều nếu bạn muốn có công trình vừa ý.

-Mô tả chi tiết nhu cầu của bạn và gia đình.
- Trình bày với KTS về ý tưởng thẩm mỹ của bạn và gia đình nếu có.
-Trình bày rõ những băn khoăn hay thắc mắc của bạn liên quan đến việc đó.
- Nếu có sở thích hay điều “tối kỵ” nào liên quan đến căn nhà (chẳng hạn vấn đề phong thủy như: hướng đất, hướng nhà, cách bố trí phòng bếp, phòng ngủ, phòng thờ cúng v.v..) bạn cũng nên thảo luận cùng KTS ở bước này.
- Sau khi trình bày ý kiến của bạn, nên lắng nghe lời khuyên của KTS nếu yêu cầu đó không phù hợp yêu cầu mỹ thuật và độ an toàn.

- Nên tìm hiểu qua những thuật ngữ xây dựng và hạn chế can thiệp vào phần xử lý chuyên môn khi KTS đưa ra phương án.

2. Các bản vẽ cần yêu cầu

Một bộ hồ sơ bản vẽ đầy đủ bao giờ cũng giúp cho việc thi công hoàn thiện công trình trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xin đưa ra một số bản vẽ chủ yếu để các bạn tham khảo:


a.
Phần phối cảnh minh họa:
Bao gồm phối cảnh công trình nhìn từ chính diện, các phối cảnh góc minh hoạ, phối cảnh nội thất bên trong nhà của phòng khách, phòng ăn, bếp, các phòng ngủ, khu phụ, tiểu cảnh một số điểm nhấn trang trí đặc biệt, phối cảnh ngoại thất sân vườn (nếu có), ... Phần phối cảnh này giúp cho chủ nhà dễ dàng hình dung về không gian thực tế sau khi ngôi nhà được xây dựng, và có những tiên liệu chính xác về cách bài trí đồ đạc,sử dụng vật liệu, bố trí ánh sáng, chọn màu sơn, v.v...

b. Phần bản vẽ kỹ thuật:
Bao gồm 03 bộ hồ sơ chính như sau:
- Hồ sơ xin phép xây dựng: bao gồm các bản vẽ chính là bản vẽ mặt bằngcác tầng, mặt cắt, mặt đứng, bản vẽ móng, sơ đồ cấp điện nước và thoát nước.
- Hồ sơ thiết kế sơ bộ: bao gồm các mặt bằng triển khai chi tiết, các mặt đứng, mặt cắt, và một số bản vẽ phối cảnh.
-Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công: đây là bộ hồ sơ sau cùng, hoàn chỉnh nhất, làm căn cứ chủ yếu để tiến hành thi công công trình.
Hồ sơ bao gồm các phần:

+Toàn bộ các bản vẽ mặt bằng các tầng, mặt bằng mái, các mặt bằng trần, mặt bằng lát sàn từng tầng.

+ Toàn bộ các bản vẽ mặt cắt qua nhà(ít nhất 02 mặt cắt), các mặt đứng của nhà.
+ Các bản vẽ triển khai cấu tạo trong nhà (cấu tạo thang, cửa, chi tiết trang trí, các khu vệ sinh, ban công, sênô, ô văng,...)
+Các bản vẽ kỹ thuật điện, cấp thoát nước, điện thoại, chống sét, điều hoà...
+Các bản vẽ tính toán kết cấu móng, cột, dầm, sàn, lanhtô,...
+ Dự toán chi tiết từng hạng mục của nhà, giúp cho chủ nhà quản lý chi phí xây dựng dễ dàng nhất.

Bước 4: Thủ tục hoàn công hay thủ tục hoàn tất thi công là một phần quan trọng nhất để có sổ hồng. Hồ sơ hoàn công sẽ được làm theo quy định và nộp tại cơ quan thẩm quyền.

1. Kiểm tra

Việc kiểm tra phải được thực hiện từ trong quá trình xây nhà, giám sát viên hoặc chủ nhà nên thường xuyên kiểm tra, khối lượng, chất lượng, quy cách, kiểu dáng. Khi công trình hoàn thành và trước khi nhận bàn giao, chủ nhà nên cùng giám sát và chủ thầu kiểm tra đối chiếu lại cùng bản vẽ và những nội dung phát sinh thật chi tiết.

2. Nghiệm thu

Việc nghiệm thu phải được thực hiện đối với từng công việc, từng bộ phận, từng hạng mục công trình, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo qui định của pháp luật. Các bộ phận bị che khuất của công trình phải được nghiệm thu và vẽ bản vẽ hoàn công trước khi tiến hành các công việc tiếp theo. Những giấy tờ này cũng là cơ sở pháp lý để xin hoàn công sau đó. Hãy căn cứ vào thoả thuận và hợp đồng của các bên để tiến hành nghiệm thu một cách cẩn trọng và chi tiết.

3. Hoàn công

Thủ tục hoàn công là một phần quan trọng nhất để có sổ hồng. Hồ sơ hoàn công sẽ được làm theo quy định và nộp tại cơ quan thẩm quyền.

Trên đây là những hiểu biết cơ bản khi bạn tiến hành xây nhà, tuy nhiên, vẫn còn mênh mông những kiến thức sâu rộng khác trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng mà không phải ai cũng có khả năng tiếp thu, lĩnh hội. Ở các nước văn minh, xã hội được chuyên nghiệp hóa, khi xây một ngôi nhà, giải pháp duy nhất là chọn một nhà tư vấn chuyên nghiệp. Sau đó toàn bộ nội dung yêu cầu của đề bài- BÀI TOÁN XÂY NHÀ CỦA BẠN sẽ có lời giải đáp.

HÀ NỘI NĂM 2010
 

Tin trước

•  Thiết kế văn phòng 2010-04-24 18:40:01
•  Những bí mật của màu sắc 2010-04-20 14:34:13
•  Sắp đặt phòng ngủ hợp lý 2010-04-20 14:32:51
•  Kiến trúc xanh- cách tiếp cận từ bài học kiến trúc truyền thống Việt Nam 2010-04-19 14:04:36
•  Những thứ cần có cho nội thất đẹp 2010-04-19 14:00:14
•  Giải pháp cách âm cho căn hộ chung cư 2010-04-19 13:58:23
•  Tận dụng ánh sáng tự nhiên trong xây dựng nhà cửa 2010-04-19 13:55:53
•  Nhà ở phong cách hiện đại 2010-04-13 18:18:48

Tin tiếp theo

•  
 


Hỗ trợ trực tuyến

Hotline:

082 538 6668